Ngày 18/9, tại Nam Định, Bộ Nông nghiệp và PTNT phối hợp với UBND tỉnh Nam Định đã tổ chức Hội nghị tổng kết phát triển lúa lai giai đoạn 2001-2012, định hướng giai đoạn 2013-2020 và sơ kết thực hiện thí điểm xây dựng “cánh đồng mẫu lớn” ở các tỉnh phía Bắc.
Về kết quả phát triển lúa lai giai đoạn 2001-2012, theo ông Lê Quốc Doanh, Cục trưởng Cục Trồng trọt, chủ trương đẩy mạnh phát triển lúa lai là hoàn toàn đúng đắn, góp phần tăng năng suất, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Đặc biệt, chất lượng của các giống lúa lai đã được cải thiện đáng kể, nhiều tổ hợp lai có chất lượng gạo tốt được phát triển vào sản xuất. Tính đến năm 2009, diện tích gieo cấy lúa lai thương phẩm đạt trên 710 nghìn ha, đưa Việt Nam trở thành quốc gia có diện tích lúa lai lớn thứ 3 thế giới, chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ. Tuy nhiên, điều khiến các nhà khoa học, các cơ quan quản lý nhà nước và nhiều địa phương lo ngại chính là việc trong suốt 10 năm qua Việt Nam vẫn chưa chủ động được nguồn giống, 70% giống lúa lai vẫn phải nhập khẩu từ Trung Quốc. Theo ông Nguyễn Thanh Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, suốt thời gian qua chúng ta vẫn chưa có đột phá để tạo ra giống lúa lai dòng bất dục. Thậm chí, ông Lâm còn ví von, việc nghiên cứu lúa lai vẫn chỉ dừng lại theo kiểu “mì ăn liền”. Cùng lo lắng về vấn đề này, GS.VS. Trần Đình Long, Chủ tịch Hội giống Cây trồng Việt Nam cho rằng: việc đặt ra mục tiêu sản xuất từ 60-70% giống lúa lai trong giai đoạn 2015 đến 2020 phải có lộ trình cụ thể, rõ ràng, trong đó phải định hướng tạo ra dòng mẹ nhiều nhất. Thậm chí phải khoán hoặc đặt hàng sản phẩm giống lúa lai với các nhà khoa học mới tạo ra hiệu quả. Về vấn đề này, theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Bùi Bá Bổng, diện tích lúa lai ở Việt Nam hiện là 10%, không tăng trong thời gian qua nhưng so với một vài nước trong khu vực thì vẫn là cao nhất (Philippin 4%, Indonesia 5%...) trong khi những nước này đều có tiềm lực nghiên cứu khoa học rất mạnh. Thứ trưởng Bổng cho rằng, điều cần làm lúc này là làm sao nâng tỷ lệ sản xuất giống lúa lai trong nước lên, giảm dần nhập khẩu. Thứ trưởng Bùi Bá Bổng khẳng định, sau hội nghị này, Bộ Nông nghiệp và PTNT sẽ tổ chức lại hệ thống nghiên cứu lúa lai trong cả nước. Nhà nước cũng sẽ cấp tiền đầy đủ cho bất cứ đơn vị nào, kể cả tư nhân mua bản quyền giống lúa lai bố mẹ. Thứ trưởng Bổng nêu rõ quan điểm, xã hội sẽ không chấp nhận một quốc gia nông nghiệp như Việt Nam lại phải nhập khẩu tới 70% giống lúa lai từ Trung Quốc. Theo kế hoạch, từ 2013 - 2020, diện tích lúa lai thương phẩm hàng năm sẽ đạt khoảng 700-800 nghìn ha. Sản xuất hạt lai F1 trong nước cung cấp 50-60% nhu cầu hạt giống cho sản xuất lúa lai đại trà; năng suất hạt lai F1 đạt trên 3 tấn/ha. Cũng trong khuôn khổ hội nghị, nhìn nhận về chương trình thí điểm xây dựng “cánh đồng mẫu lớn” ở khu vực phía Bắc trong thời gian qua, Thứ trưởng Bùi Bá Bổng cho biết: từ năm 1975 đến nay, chúng ta đã có cuộc “cách mạng” lúa gạo ở Việt Nam, trong đó yếu tố then chốt là thủy lợi và giống mới, làm biến đổi diện mạo sản xuất lúa gạo, đưa Việt Nam từ nước nhập khẩu trở thành nước xuất khẩu lúa gạo hàng đầu khu vực. Cuộc cách mạng lớn tiếp theo là hiện đại hóa sản xuất lúa, góp phần đưa nước ta cơ bản là nước công nghiệp hóa vào năm 2020. Tuy nhiên, muốn hiện đại hóa sản xuất lúa phải đổi mới được quan hệ sản xuất. Thứ trưởng Bổng nhấn mạnh, dù không thể tích tụ đất kiểu đại điền nhưng nông dân phải hợp sức lại để sản xuất tập trung theo quy trình hiện đại. Con đường duy nhất phải thực hiện để thoát khỏi phương thức sản xuất manh mún, lạc hậu là nông dân hợp sức, góp đất với nhau để có những mô hình canh tác lớn hơn.