Gần 80 tuổi vẫn mê sáng chế
Bác Viên cho biết, bác đã tham gia hội chợ Techmart từ năm 1999 đến nay với tư cách là khách mời. Bởi đơn giản là bác muốn chia sẻ “sáng chế khoa học” của mình với bà con nông dân làm nông nghiệp. Ở tuổi 78, nhà khoa học “nông dân” Đinh Công Viên (Hà Nam) vẫn miệt mài sáng chế. Từ máy bóc ngô đơn giản bác Viên đã cải tiến thành máy tẽ ngô với 4 chức năng (tuốt lúa, tẽ ngô, vò đậu, bóc vỏ lạc).
Một sáng chế của nông dân không thể không kể đến đó là thiết bị chế tạo máy bóc bẹ, tẽ hạt ngô của bác Huỳnh Thái Dương (Bình Thuận). Bác Dương cho biết nhờ thiết bị chế tạo máy bóc bẹ, tẽ hạt ngô của bác đã giúp nâng cao công suất bóc bẹ, tẽ hạt ngô gấp 4 lần lên đến 7 tấn hạt bắp/1 giờ, lượng hao hụt dưới 3kg/1 tấn, tỉ lệ vỡ khi bóc, tẽ với ngô đã phơi khô dưới 2% và bóc ngô có độ ẩm trên 30%. Nếu sử dụng một máy có thể thay thế 1.200 lao động/ngày.
Tính đến thời điểm hiện tại bác Dương đã bán được 1.300 máy cho 40 tỉnh thành và xuất khẩu sang Lào được nước bạn hết sức khen ngợi.
Chỉ tay vào những tấm bằng khen và kỷ niệm chương qua các kỳ Techmart của liên hiệp các hội KHKT Việt Nam, của Thủ tướng Chính phủ, Bộ KH&CN... bác Dương cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu chế tạo các máy phục vụ nhà nông, trước hết là máy lấy hạt dưa, một loại cây trồng phổ biến ở vùng cát tỉnh Bình Thuận.
Nông dân sáng chế phục vụ... nông dân
Anh Be nói: phải chi mình làm được cái máy vừa xúc lúa rồi rê thẳng vào bao thì tiện lợi biết mấy.Quanh năm gắn bó với đồng ruộng, nhưng khi có thời gian rảnh là anh Be (An Giang) lại tìm hiểu về kỹ thuật canh tác lúa, cách trừ sâu bệnh và dịch hại, từ đó anh mạnh dạn bắt tay vào sản xuất giống lúa để cung ứng cho bà con nông dân trong vùng, điều mà từ xưa đến nay bà con trong vùng chưa làm bao giờ vì còn e ngại. Vậy mà ngay sau vụ đầu tiên anh Be đã gặt hái được thành công... lúa nhiều, nhân công lại ít, lúa giống sản xuất ra không kịp cung ứng cho khách hàng vì khâu thu gom vào bao quá chậm nên nhiều khách hàng không đợi được đã tìm nơi khác.
Do đó anh Be bắt tay vào làm, bắt đầu bằng cách thực hiện bản vẽ trên giấy tập học trò. Mất gần tuần lễ anh đã phác thảo xong hình dạng chiếc máy cùng các bộ phận và nguyên lý hoạt động. Không có tay nghề cơ khí, vậy là mỗi bộ phận của máy anh lại vẽ lại từng chi tiết rồi kêu thợ sắt đến cắt, hàn theo bản vẽ…
Ba tháng sau, chiếc máy xúc rê lúa hoàn thành. Anh nóng lòng đưa máy vào thử nghiệm, bà con đến xem “sáng chế” chật cứng trước nhà. Chiếc máy nổ giòn tan, nhưng giàn xúc không xúc được lúa để đưa lên bộ phận rê mà cứ xúc trật lất… Thất bại thảm hại! Không nản, Út Be nghiên cứu lại giàn xúc lúa. Anh phát hiện do bộ phận xúc lúa làm theo kiểu vòng tròn xoáy, khi xúc xong qua một tua là lúa văng ra ngoài. Út Be làm lại bộ phận xúc lúa theo kiểu chân rít: hốt lúa vào đưa lên rồi đổ vào hệ thống khoan.
Không chỉ có vậy, hệ thống xúc lúa này có thể điều chỉnh ở các độ cao thấp khác nhau. Đầu năm 2006, những sai sót, khiếm khuyết của chiếc máy xúc rê lúa đã được khắc phục. Út Be đưa vào hoạt động thử nghiệm và thành công.
Anh Be cho biết máy xúc rê lúa rất gọn nhẹ, có thể xúc trực tiếp trên lò sấy hoặc sân phơi lại giảm được nặng nhọc cho người nông dân, với công suất là 2-8 tấn/giờ máy rất hữu ích đối với những tổ, hợp tác sản xuất giống, giúp chủ động sản xuất, rút ngắn thời gian làm sạch lúa giống, giảm bớt rủi ro do thời tiết.
Những sáng chế hữu ích
Gian hàng của nhà “sáng chế” trẻ Nguyễn Văn Tuấn (Nghệ An) có nhiều khách tham quan vây quanh và tìm hiểu về máy phát hiện và xử lý tôm ngạt khí. Nhìn vẻ bề ngoài rất đơn giản, máy được mô phỏng từ các chất liệu như gỗ tạp, bình nhựa, khung nhôm... nhưng Tuấn đã chỉ ra các bộ phận như mạch phát pin, hai tấm lưới nhận thông tin, hệ thống lazer kiểm tra tình trạng của tôm hoạt động liên tục, kích điện và nguồn điện ắc quy dự trữ. Phần máy thu sẽ có trách nhiệm thu thông tin, rơ le, chuông báo động, nguồn biến thế và ổn áp. Máy phát hiện và xử lý tôm ngạt khí của Tuấn sẽ giúp những người nuôi tôm phát hiện và xử lý tôm ngạt do thiếu ôxi.
Xuất phát ngay từ ao tôm của ông ngoại nuôi thường bị ngạt khí vào quãng từ 1-5h sáng. Qua tìm hiểu, Tuấn mới biết do thời điểm này, tảo trong nước không quang hợp được nên dẫn đến tình trạng thiếu ôxi. Sau nhiều ngày mày mò, Tuấn đã chế tạo ra chiếc máy nêu trên. Được gia đình và mọi người khuyến khích Tuấn mạnh dạn đem sáng chế này đi dự cuộc thi công nghệ cho thanh thiếu niên và đạt giải cao.
Tuấn cho biết, ngoài việc trưng bày, em còn mong qua đây sẽ nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của cá nhân hoặc tổ chức nào đấy để tiếp tục hoàn thiện máy. Em nhận thấy, về phần cơ học, chiếc máy mà mình sáng chế chưa đạt được độ chính xác cao nên rất cần có sự hỗ trợ của các thiết bị điện tử để kiểm soát chính xác nồng độ oxy, lúc đó, máy sẽ báo cho chủ nuôi thông tin chính xác để có biện pháp xử lý kịp thời.
Tuấn cũng vui mừng cho biết, em vừa thi đậu vào Khoa Điện tử, Trường Cao đẳng Việt Hàn, tại thành phố Vinh, Nghệ An. "Được học tập, em sẽ có điều kiện nâng cao hiểu biết và tiếp tục hoàn thiện sáng chế của mình" em chia sẻ.